Đang tải...

[Tin tức] Đà Nẵng 20 năm 'khoác áo' Trung ương P2

Thảo luận trong 'TIN TỨC CHUNG' bắt đầu bởi hunglkt, 4/1/17.

By hunglkt on 4/1/17 lúc 07:24
  1. hunglkt

    hunglkt Administrator Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    3/1/17
    Bài viết:
    7
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    1
    20 năm trước, là Trưởng ban chỉ đạo chia tách tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tuy chưa có quyết định ai đi, ai ở nhưng ông Mai Thúc Lân đã nhận được những cuộc điện thoại và cả thư tay đề nghị thu xếp cho con em họ ở lại thành phố...

    Đó là những ngày khẩn trương. Đầu tháng 10/1996, Bộ Chính trị điện vào "đồng ý tách thành phố Đà Nẵng ra trực thuộc Trung ương". Đến giữa tháng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng Mai Thúc Lân bay ra Hà Nội để kịp dự khai mạc kỳ họp Quốc hội, nơi quyết định việc chia một loạt tỉnh từ Bắc vào Nam.

    Bế mạc kỳ họp Quốc hội hôm trước, hôm sau ông Lân bay ngay vào Đà Nẵng, bỏ luôn cả chuyến thăm Italia đã được bố trí cả thị thực nhập cảnh và vé máy bay. Trong hồi ký của mình, ông Lân thuật lại: "Cũng thật tiếc nhưng thời điểm nước sôi lửa bỏng đó mà Bí thư Tỉnh uỷ lại vi vu thăm nước ngoài thì quả là vô trách nhiệm. Và tôi cũng ý thức được trước mắt, việc sắp xếp nhân sự, ai vào Quảng Nam, ai ở lại Đà Nẵng là vấn đề hết sức phức tạp".

    Lúc bấy giờ, thành phố Đà Nẵng là trung tâm, hầu hết cán bộ, công chức các cơ quan cấp tỉnh đều định cư ở thành phố hàng chục năm. Nay tách ra, một bộ phận phải vào thị xã Tam Kỳ (là thủ phủ mới của tỉnh Quảng Nam), dù chỉ cách xa 70 km nhưng phát sinh nhiều vấn đề về sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái, đi lại.

    Những ngày cuối tháng 11/1996, ở Quảng Nam - Đà Nẵng trời mưa to liên miên. Đêm nằm nghe mưa xối xả, vừa nghĩ đến tình hình lũ lụt đang đe doạ các vùng dọc sông Vu Gia, Thu Bồn, vừa phải nghĩ đến việc sắp xếp, bố trí nhân sự và làm công tác tư tưởng mà Bí thư Tỉnh uỷ Mai Thúc Lân không sao ngủ được. Những ai ở lại Đà Nẵng không vấn đề gì, nhưng người phải vào Quảng Nam thì đúng là "trăm mối tơ vò". Là trưởng ban chỉ đạo chia tách tỉnh, tuy chưa có quyết định ai đi, ai ở nhưng ông Lân đã nhận được những cuộc điện thoại và cả thư tay của một số cán bộ hưu trí đề nghị để con mình ở lại Đà Nẵng vì hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn...

    Có lần gặp người lên xin trực tiếp, ông Lân khó chịu quát: “Tôi 62 tuổi, nặng có 49 cân mà từ Hà Nội vào đây được, thì lý do gì các anh chị không vào Quảng Nam được”.

    Ông Nguyễn Hoàng Long (năm 1996 là Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) kể lại, để sắp xếp bộ máy, lãnh đạo tỉnh phải chuẩn bị rất công phu với nhiều cuộc họp bàn cân não. Cuối cùng lãnh đạo tỉnh quyết định trong Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ có 8 thành viên vào Quảng Nam, ba thành viên ở lại Đà Nẵng gồm ông Nguyễn Bá Thanh (lúc này là Phó bí thư, Chủ tịch UBND thành phố). Riêng hai vị trí lãnh đạo cao nhất là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam và Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng sẽ do Bộ Chính trị phân công giữa ông Mai Thúc Lân và ông Trương Quang Được (lúc này là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).

    Trong Tỉnh uỷ thì 25 người vào Quảng Nam, 22 người ở lại Đà Nẵng. Vị trí trưởng, phó các sở ban ngành sẽ căn cứ vào sở trường, năng lực, quen thuộc địa bàn, hoàn cảnh... mà phân công ai vào, ai ở. Việc bố trí cán bộ, nhân viên sẽ do lãnh đạo các sở ban ngành thực hiện.

    Đầu tháng 12/1996, ông Lân cùng đoàn cán bộ địa phương bay ra Hà Nội để báo cáo với Bộ Chính trị về việc sắp xếp nhân sự Tỉnh uỷ. Ông kể: "Sau khi nghe báo cáo chung, đến nội dung phân công lãnh đạo cao nhất ở hai địa phương, anh Đỗ Mười (Tổng bí thư) quay sang hỏi anh Lê Khả Phiêu (Thường trực Bộ Chính trị). Anh Phiêu cho ý kiến rất ngắn gọn: Đồng chí Lân vào Quảng Nam, đồng chí Được ở Đà Nẵng".

    Kể từ đây, hai nhân sự cao nhất của Đà Nẵng sau khi chính thức "lên" thành phố trực thuộc Trung ương là Bí thư Trương Quang Được và Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh.

    [​IMG]
    Ông Mai Thúc Lân (hàng đầu bìa phải) và ông Trương Quang Được cùng đoàn cán bộ vào thị xã Tam Kỳ sau ngày chia tách tỉnh (tháng 2/1997). Ảnh tư liệu.​

    "Phương án Nguyễn Bá Thanh"

    Ông Trương Quang Được từ vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan được Trung ương điều về tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (năm 1994), và hai năm sau Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành uỷ. Còn ông Nguyễn Bá Thanh là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, tuy nhiên trước khi tách tỉnh, ông Thanh không phải là phương án nhân sự đầu tiên được chọn để làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

    Vào đầu thập niên 90, khi công cuộc Đổi mới bước đầu có những khởi sắc thì một số cán bộ lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng bị sa vào những vụ việc tiêu cực, chủ yếu là đất đai, nhà cửa... Khi được Trung ương cử về làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Mai Thúc Lân thấy rằng việc thay đổi lãnh đạo, chủ yếu là Bí thư và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là cần thiết. Thời gian này có ý kiến đưa ông Nguyễn Bá Thanh về làm chủ tịch, nhưng lại xuất hiện phản đối cho rằng ông Thanh là kỹ sư nông nghiệp, đang làm giám đốc Sở Nông nghiệp đưa về làm chủ tịch thành phố để "cày đường nhựa à?". Lãnh đạo tỉnh tạm để ông Kiều Đa, Phó chủ tịch làm quyền Chủ tịch UBND TP.

    Gần hết năm 1994, tình hình Đà Nẵng vẫn chuyển biến chậm, cho đến cuộc bầu cử HĐND vào tháng 11, sau khi nghiên cứu và qua tiếp xúc trong công việc, ông Mai Thúc Lân đề nghị Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định đưa ông Nguyễn Bá Thanh về nhận nhiệm vụ Phó bí thư Thành uỷ, ứng cử vào HĐND thành phố, đề cử làm Chủ tịch UBND.

    "Với sự nhiệt tình, năng động của mình, cộng với sự đoàn kết, nhất trí trong Thành uỷ, Thanh đã góp phần quan trọng tạo nên sự khởi sắc mới trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng trong những năm 1995-1996 và cả thời gian sau ngày chia tách tỉnh", ông Lân viết.

    [​IMG]
    Thành phố Đà Nẵng đang phát triển thành một đô thị hiện đại ở miền Trung. Ảnh: Nguyễn Đông.

    Khi công việc sắp xếp nhân sự đã xong, đến phần chia tách tài sản công sở. Do thị xã Tam Kỳ còn thiếu thốn nên những gì tốt đều được dành cho Quảng Nam, từ phương tiện làm việc, xe cộ, thông tin liên lạc. Sở nào có 2 xe công đều cho Quảng Nam lựa chọn chiếc xe tốt hơn. "Thường thì khi chia tách, cán bộ hay tranh giành nhau tài sản. Nhưng Quảng Nam và Đà Nẵng hoàn toàn không có chuyện đó", ông Nguyễn Đức Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Nam) nói.

    Theo ông Tuấn, dù chia tách đơn vị hành chính, nhưng hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn luôn tương trợ nhau, "chia mà không tách". Đoàn nghệ thuật dân ca vào Quảng Nam phục vụ, còn đoàn nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thì ở lại Đà Nẵng. Các bệnh viện ở Đà Nẵng cũng luôn ưu tiên chăm sóc cho người Quảng Nam. Trường chuyên Lê Quý Đôn của Đà Nẵng năm nào cũng dành những suất học bổng hay chỉ tiêu cho Quảng Nam.

    [​IMG]
    Ông Nguyễn Đức Tuấn khẳng định Đà Nẵng đã dành những vật chất tốt nhất cho Quảng Nam sau khi chia tách. Ảnh: Nguyễn Đông.

    Mỗi lần Quảng Nam có bão lũ, nhiều người vẫn nhớ hình ảnh Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh ngồi thuyền băng vào rốn lũ để chia sẻ lương thực, nước uống, hay vào vùng tâm bão khắc phục thiên tai, coi đó như chuyện của Đà Nẵng. Năm nào Đà Nẵng cũng dành ngân sách để xây cho Quảng Nam hoặc là trường nội trú, hoặc là bệnh viện, hoặc là những con đường...

    Từ một đô thị cấp 3, thành phố trực thuộc tỉnh với cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn; bên kia bờ đông sông Hàn là xóm nhà chồ tạm bợ, cuộc sống người dân bấp bênh theo những chiếc đò ngang mưu kế sinh nhai..., sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trực thuộc Trung ương, thành phố đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một điểm sáng đô thị hiện đại của miền Trung cũng như cả nước.

    VnExpress

     
Tags: this article has not been tagged

Chia sẻ trang này