Tưởng chừng chỉ có học phí và tiền xây dựng trường là khoản thu "nặng" nhất, nào ngờ, tiền đồng phục học sinh cũng làm các bậc phụ huynh kêu trời vì những con số lên đến tiền triệu. Năm nay, học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đang được đặt may áo thun đồng phục mới. Trong năm học 2011 - 2012 trường dự tính số tiền trên sẽ tăng hơn một chút vì trượt giá. Đồng phục phục mùa đông (áo choàng) và đồng phục thể thao của học sinh trong trường dự kiến cũng sẽ có chút thay đổi. Bạn N.M.H, học sinh trường THPT Chu Văn An cho biết, năm nay đồng phục của trường lên giá đáng kể. H cho biết nếu như áo vest năm 2010 chỉ 300.000 đồng/áo thì năm nay đã lên đến 500.000 đồng/áo. H. tính toán, nếu như mua đủ các loại đồng phục của trường thì năm nay phải đến trên 3 triệu đồng. Năm 2010, H mua đồng phục hết hơn 2 triệu bao gồm: vest, váy, gile, quần, áo… Việc nhiều trường quy định mặc áo thun quảng cáo cả tuần khiến phụ huynh lẫn các bạn học sinh không khỏi lao đao, vừa vì tiền đồng phục, vừa vì thương con cả tuần phải mặc đồng phục với chất liệu vải hay nhăn và nóng. Tại trường Tiểu học Đền Lừ, quận Hoàng Mai, một phụ huynh cho biết: Việc ngày nào cũng mặc đồng phục khiến con chị có 2 bộ váy, một bộ quần dài, áo dài tay nhưng vẫn không đủ. Cô tính phải mua thêm một bộ quần dài áo dài tay nữa nhưng đầu năm học nhiều khoản chi quá. Tại trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa mỗi học sinh phải mua 3 áo sơ mi dài tay, 2 áo mùa đông. Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên tự nhiên đầu năm học phát cho mỗi học sinh một bộ quần áo đồng phục rồi thông báo gia đình đóng 180.000 đồng. Cô T.T có con học lớp 8 trường N.T (Thanh Xuân) cho biết: "Năm nay, tiền công may đồng phục cũng tăng gần gấp đôi so với năm trước. Tôi mới đặt may 2 bộ đồng phục cho con mà hết gần 1 triệu đồng, năm trước chỉ gần 600.000đ". Năm nay, đồng phục học sinh đang có xu hướng tăng "đột biến" so với năm trước. Oái oăm ở chỗ, nhiều trường quy định học sinh không được dùng đồng phục của năm trước khiến các gia đình có thu nhập khó khăn thực sự lao đao. Phụ huynh T.H.N có con học tại Trường Tiểu học Văn Yên (Hà Đông, Hà Nội) cho hay: Đồng phục học sinh lớp 1, 2 về cơ bản kích cỡ như nhau, nhưng in tên lớp khác nhau. Ví dụ như lớp 1A, 2A… nên dù cháu nào học lớp 1A, mặc vừa đồng phục cũ cũng phải bỏ vì lên lớp 2A phải mặc đồng phục in chữ 2A chứ không được giữ nguyên đồng phục để in chữ khác. Đồng phục đã trở thành khoản thu không thể thiếu của học sinh đầu năm học. Thực ra, ý nghĩa của việc mặc đồng phục rất tốt: Làm giảm khoảng cách kinh tế giữa các học sinh, tạo sự gắn bó giữa tập thể lớp và toàn trường. Theo thông tư quy định về đồng phục, lễ phục của HS, SV do Bộ GD & ĐT ban hành ngày 30/9/2009 thì: Đồng phục cần phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác; bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường. Ngoài những ngày quy định mặc đồng phục, các ngày còn lại khi đến trường, học sinh, sinh viên phải mặc gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo tính nghiêm túc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đồng phục hiện nay đang là "nỗi lo" của cả phụ huynh và học sinh chứ không hoàn toàn mang ý nghĩa tốt đẹp như nó vốn có nữa.