Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa glucid mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường máu và rối loạn chuyển hóa glucid, lipid, protid. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đái tháo đường cùng với các bệnh lý tim mạch và ung thư là 3 nhóm bệnh phổ biến, có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay. Đái tháo đường thường gây ra nhiều biến chứng mạn tính nguy hiểm làm rối loạn hoặc suy giảm các chức năng của cơ thể, nhất là về các bộ phận như mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tần suất mắc bệnh đái tháo đường thường tăng theo tuổi và tuổi cao là một yếu tố nguy cơ độc lập với bệnh. Bệnh người cao tuổi thường có nguy cơ suy giảm chức năng và tử vong cao hơn các nhóm tuổi khác. Bởi lẽ, ngoài các biến chứng về vi mạch (bệnh lý võng mạc, thận, thần kinh) và các biến chứng mạch máu lớn (bệnh mạch vành, đột quỵ...) là 2 nguyên nhân chính gây tử vong, bệnh đái tháo đường còn làm cho người cao tuổi bị trầm cảm, suy giảm nhận thức, teo cơ, ngã, gãy xương... Đây thực sự cũng là một trong những vấn đề y tế cần được xã hội quan tâm do có những tác động ảnh hưởng không nhỏ của bệnh đối với tương lai an sinh xã hội và phát triển của mỗi quốc gia. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh nhân nhập viện chủ yếu thuộc thể đái tháo đường typ 2, với biểu hiện tiến triển âm thầm nhiều năm không có triệu chứng rõ rệt. Người bệnh chủ yếu đi khám và nhập viện ở giai đoạn muộn, khi đã có biến chứng. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì biến chứng rất cao (72,08%), tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi 60-74, nữ mắc nhiều hơn nam. Các biến chứng hay gặp bao gồm: rối loạn lipid máu 84,2%; đục thủy tinh thể và tổn thương đáy mắt 71,3%; tăng huyết áp 60%; biến chứng thận 27,5%; tai biến mạch máu não 26,5%; nhiễm khuẩn 39,6%; biến chứng thần kinh ngoại vi 8,9%...(Hồ Thị Kim Thanh và cộng sự, 2011-2012). Mặc dù, có tới 61,5% bệnh nhân biết chủ động tìm hiểu về các chỉ số kiểm soát và theo dõi điều trị đái tháo đường qua tư vấn trực tiếp, ti vi, đài, internet nhưng có tới 50% chưa biết mục tiêu kiểm soát đường máu lúc đói và huyết áp; 70% không biết mục tiêu kiểm soát đường máu sau ăn 2h hoặc HbA1c; 96% không biết hoặc hiểu biết sai về mục tiêu kiểm soát các loại lipit máu. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân không biết hoặc không nhớ về các chỉ số theo dõi bệnh của bản thân còn cao: 63% không nhớ đường máu lúc đói; 80% không nhớ huyết áp; 62,5% không biết HBA1c (Nguyễn Trung Anh và cộng sự, 2013). Có thể bạn quan tâm Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân rất khó ứng phó hoặc không thể kiểm soát được với triệu chứng “ăn nhiều, uống nhiều”. Thế nên, sau những dịp vui vẻ, tiệc tùng trong các kỳ nghỉ lễ tết, hội hè kéo dài, số người phải nhập viện vì biến chứng đái tháo đường thường khá cao. Thậm chí, có những người sau khi nhập viện cấp cứu vì loạn thần mê sảng hoặc suy thận mới biết mình bị biến chứng do bệnh đái tháo đường. Vì vậy, ngoài việc “mỗi người bệnh phải biết tự chăm sóc tốt cho bản thân” bằng việc tăng cường luyện tập cơ thể, ăn uống khoa học hợp lý và tuân thủ chế độ thuốc điều trị hàng ngày thì nhân viên y tế trong quá trình khám chữa bệnh cần phải chú trọng đến vấn đề giáo dục, tư vấn cho bệnh nhân về các chỉ số theo dõi, nhất là giải thích rõ tầm quan trọng của chỉ số đường máu sau ăn 2h và HBA1c để góp phần kiểm soát và phòng ngừa biến chứng đái tháo đường. Kiến thức và hành vi thực hành đúng sẽ giúp người bệnh đái tháo đường có thể chung sống “hòa bình” với bệnh suốt đời an toàn hơn. Xem thêm