Lao là một bệnh nhiễm khuẩn, do trực khuẩn lao Bacillies de Koch (viết tắt là BK) gây ra. Là một bệnh lây từ người bệnh sang người lành. Theo lời khuyên Y khoa Việt cần tìm hiểu các yếu tố nguy cơ của lao phổi như: tiếp xúc với bệnh lao, mắc các bệnh đái tháo đường, tràn dịch màng phổi, dùng Corticoid kéo dài, chấn thương ngực, sức ép, tiêm chích ma tuý, mổ cắt dạ dày, viêm đại tràng … Triệu chứng nhận biết bệnh Lao Triệu chứng toàn thân: Khai thác các triệu chứng toàn thân gợi ý một hội chứng nhiễm độc lao: mệt mỏi, ăn kém, mất ngủ, sút cân, sốt chiều, mồ hôi trộm. Tuy nhiên các triệu chứng này không đặc hiệu vì nó còn gặp trong nhiều bệnh khác. Triệu chứng cơ năng: – Ho kéo dài trên 2 tuần mà điều trị kháng sinh không kết quả. – Ho máu tuỳ mức độ, máu tươi hoặc máu cục, nhưng thường có đuôi khái huyết. – Ho đờm màu xanh, màu vàng hoặc như chất bã đậu. – Đau ngực vùng đỉnh phổi. – Khó thở khi bệnh nặng. Triệu chứng thực thể: Các triệu chứng xuất hiện ở đỉnh phổi: – Nghe ran ẩm, ran nổ. – Hội chứng đông đặc điển hình hoặc không điển hình. – Hội chứng hang khu trú. Cách điều trị bệnh lao Nguyên tắc điều trị: Luôn đảm bảo nguyên tắc “3Đ” (Đúng-Đủ-Đều): Phối hợp đúng thuốc: Mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn). Do vậy phải phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn duy trì. Dùng đủ liều lượng: Các thuốc chống lao tác dụng hợp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tai biến. Dùng thuốc đều đặn, liên tục: Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa. Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì: Giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát. Các thuốc kháng lao: Chương trình Chống lao Việt Nam quy định 5 thuốc chống lao thiết yếu. Bao gồm: Isoniazid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamid (Z), Streptomycin (S) và Ethambutol (E). Chỉ định và phác đồ điều trị: Phác đồ I: – Công thức: 2S(E)HRZ/6HE hoặc 2S(E)RHZ/4RH. – Chỉ định: các trường hợp người bệnh lao mới (chưa điều trị lao bao giờ hoặc đã từng điều trị lao nhưng dưới 1 tháng). Phác đồ II: – Công thức: 2SHRZE/1HRZE/5H3R3E3 – Chỉ định: các trường hợp người bệnh lao tái phát, thất bại phác đồ I, điều trị lại sau bỏ trị, một số thể lao nặng và phân loại khác (phần phân loại theo tiền sử điều trị). Phác đồ III: – Công thức: 2HRZE/4HR hoặc 2HRZ/4HR – Chỉ định: tất cả các thể lao trẻ em. Trong trường hợp lao trẻ em thể nặng có thể cân nhắc dùng phối hợp với S. Xem thêm: kiến thức Y học của thầy thuốc Việt Nam