Cầu lông Việt Nam không thiếu tiền nhưng khâu đào tạo VĐV yếu khiến cho trình độ không được nâng cao ở tầm quốc tế. Vì thế, sau Nguyễn Tiến Minh là một khoảng trống mêng mông...
Tiến Minh đã đến ngưỡng?
Nguyễn Tiến Minh năm nay đã bước sang tuổi 28. Độ tuổi khá lớn đối với một VĐV cầu lông thi đấu đỉnh cao. So với những tay vợt khác trong tốp 10 của thế giới, Tiến Minh thuộc dạng già nhất. Anh chỉ trẻ hơn so với Taufik Hidayat của Indonexia và Lee Chong Wei của Malaysia. Tuổi tác đã ảnh hưởng phần nào đến phong độ của anh thời gian qua. Dù luôn khẳng định đây là thời điểm đạt được phong độ cao nhất, nhưng có thể thấy Tiến Minh rất khó có thể tạo nên bước đột phá trong sự nghiệp. Thậm chí, Tiến Minh đang có dấu hiệu chững lại.
Ngoài Tiến Minh, cầu lông Việt Nam gần như là con số 0 trên bản đồ thế giới.
Tại giải cầu lông Australia Grand Prix Gold vừa qua, Tiến Minh đã thúc thủ trước tay vợt kém mình 18 bậc trên bảng xếp hạng là Sho Sasaki người Nhật ở vòng tứ kết sau 3 séc đấu, khi đang là đương kim vô địch của giải đấu. Nguyên nhân chính được bản thân thừa nhận là do sự sa sút về thể lực. Đây vốn không phải là sở trường của Tiến Minh. Tính từ đầu năm 2011, Tiến Minh vẫn đều đặn tham gia những giải đấu lớn của thế giới, nhưng thành tích chỉ ở mức chấp nhận được chứ không thể tạo nên một cú đột phá nào. Khoảng cách giữa anh với những tay vợt hàng đầu thế giới là Lin Dan, Lee Chong Wei là không thể san lấp. Còn với những đối thủ khác trong tốp 10 như Long Chen, Jin Chen, Boonsak Ponsana, Taufik, Tiến Minh cũng không tạo ra được ưu thế. Trong khi các nước như Trung Quốc, Malaysia hay Indonesia luôn có những VĐV xuất sắc nối tiếp nhau thì Việt Nam lại không có. Sau Tiến Minh không có VĐV cầu lông nào của Việt Nam có mặt trong tốp 100. Chỉ có 3 tay vợt nằm trong tốp 500 của thế giới với trình độ hạn chế là Nguyễn Hoàng Nam (311), Nguyễn Hoàng Hải (394) và Văn Tuấn Kiệt (405).
Có tiền nhưng không biết làm?
Phải khẳng định cầu lông Việt Nam không thiếu tiền, từ cấp độ ĐTQG quốc gia cho đến những trung tâm tại các địa phương. Bắt đầu từ vài năm trước khi Tiến Minh đặt dấu ấn trên đấu trường quốc tế với thành tích và thu nhập cao, phong trào tập luyện và thi đấu cầu lông đã diễn ra rộng khắp ở các địa phương. Hiện tại, có đến 3 trung tâm đào tạo VĐV trẻ ở Từ Sơn (Bắc Ninh), Cần Thơ và Đà Nẵng chưa kể đến 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TPHCM. Tiền bạc không phải là nỗi lo quá lớn. Đơn cử như TPHCM sẵn sàng hỗ trợ kinh phí hơn 30.000 USD/năm cho Tiến Minh xuất ngoại thi đấu cũng như hỗ trợ hết mình cho Nguyễn Hoàng Nam. Hay như đoàn Hà Nội có được 2 nhà tài trợ lớn là Ciputra và Flex Pro, sẵn sàng chi tiền tham dự các giải đấu quốc tế.
Cầu lông Việt Nam hiện nay có một số VĐV trẻ, được xem là kế thừa cho Tiến Minh như Hoàng Nam, Phương Nam, Bằng Đức, Mạnh Thắng (nam) và Vũ Thị Trang, Phương Nhi, Hà Anh ở giải nữ… Tuy nhiên, những tay vợt này lại ít được cọ xát ở các giải thi đấu quốc tế cũng như không có được lộ trình phát triển phù hợp. Cái thiếu và yếu nhất hiện nay là thiếu những người có chuyên môn giỏi để đề ra chương trình thi đấu hợp lý. Bên cạnh đó, việc thuê chuyên gia giỏi cũng rất hạn chế, khiến các tay vợt Việt Nam không được nâng cao tay nghề. Nên nhớ, Tiến Minh có được thành công lớn như hiện giờ nhờ rất lớn vào việc cộng tác với chuyên gia Asep của Indonesia suốt một thời gian dài.
Với thực trạng của cầu lông Việt Nam như hiện giờ, rất khó để có được một Nguyễn Tiến Minh thứ hai…
Hoàng Đăng
Đang tải...
Khoảng trống phía sau Tiến Minh
Thảo luận trong 'TIN TỨC CHUNG' bắt đầu bởi hoang559™, 11/5/11.
Tags: