Đang tải...

Kỹ thuật di chuyển trong cầu lông !

Thảo luận trong 'KỸ THUẬT / CHIẾN THUẬT / TẬP LUYỆN' bắt đầu bởi tahongducpanda2, 10/5/11.

  1. Kỹ thuật di chuyển trong cầu lông !

    Vận động viên cầu lông trong thi đấu đánh đơn, cần chạy bước di chuyển lên trên, xuống dưới, sang phải, sang trái và thực hiện các động tác kỹ thuật đánh cầu trên một diện tích khoảng 35 m² ở sân của mình. Vì vậy nếu không có phương pháp bước chân nhanh và chính xác sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đánh cầu do phải tiêu tốn nhiều năng lượng dẫn đến mệt mỏi quá mức về thể lực và ảnh hưởng tới thi đấu.
    Trên cơ sở của các kỹ thuật di chuyển bước chân cơ bản như: bước đạp, bước vượt, bước nhảy, bước chéo, bước đệm, bước đôi, v.v... người ta đã tập hơp thành các tổ hợp kỹ thuật di chuyển bước chân tổng hợp như: tổ hợp kỹ thuật bước di chuyển lên lưới, lùi sau, di chuyển sang 2 bên, bật nhảy dừng trên không.

    I. Kỹ thuật bước di chuyển lên lưới:

    1. Di chuyển lên lưới bên phải:

    Nếu vị trí đứng của vận động viên lệch trước, có thể dùng 2 bước chéo chân để di chuyển lên lưới.

    Nếu vị trí đứng của vận động viên lệch sau (tức ở gần đường biên ngang cuối sân) thì sử dụng kỹ thuật di chuyển bước chéo chân 3 bước. Tức là chân phải bước 1 bước nhỏ ra phía trước, sang phải, tiếp đó chân trái bước chéo lên trước vượt qua chân phải, sau đó chân phải lại bước theo phương hướng đó 1 bước dài đến vị trí cần đến.

    Để có thể tăng nhanh được tốc độ di chuyển lên lưới, còn có thể dùng bước đệm lên lưới, tức là chân phải sau khi bước 1 bước nhỏ ra phía trước, mũi bàn chân hướng sang phải, thì chân trái nhanh chóng bước lên theo đến sau gót chân phải, lợi dụng sự đạp sau của cạnh trong bàn chân trái, chân phải bước vượt ra phía trước bên phải 1 bước dài tiếp theo.

    2. Di chuyển lên lưới bên trái:

    Phương pháp cơ bản của di chuyển lên lưới bên trái giống với lên lưới bên phải, chỉ khác là phương hướng di chuyển ngược về bên trái. VD: kỹ thuật di chuyển 2 bước vượt lên lưới bên trái.

    II. Kỹ thuật bước di chuyển lùi sau:

    1. Di chuyển lùi sau sang bên phải sân, thuận tay:

    Phương pháp di chuyển bước chân lùi sau nói chung đều ở tư thế nghiêng người di chuyển đến vị trí vung vợt, đánh cầu. Nếu đứng chân phải hơi ra trước, thì trước hết hoàn thành động tác đạp sau của chân phải, tiếp đó xoay khớp hông sang phải ra sau để thành tư thế đứng nghiêng người với lưới, sau đó sử dụng bước đôi 3 bước lùi ra sau hoặc bước chéo lùi ra sau.

    2. Di chuyển lùi sau sang bên trái sân, thuận tay:

    Lùi ra phía sau bên trái sân, thực hiện đánh cầu vòng đỉnh đầu thuận tay có phương pháp di chuyển bước chân cơ bản giống với phương pháp di chuyển bước chân lùi sau bên phải thuận tay. Chỉ khác nhau về phương hướng di chuyển mà thôi.

    3. Di chuyển lùi ra phía sau bên trái, trái tay:

    Khi đánh cầu trái tay, trước hết cần phải làm cho cơ thể xoay ra phía sau bên trái, lưng hướng vào lưới. Khi ở cuối sân bên trái, bất luận là lùi sau 2 bước hay 3 bước hoặc lùi bước chéo đều cần phải chú ý tới điểm này.

    III. Kỹ thuật bước di chuyển sang 2 bên:

    1. Di chuyển sang bên phải:

    Người thực hiện 2 chân đứng tách nhau, gót chân phải hơi kiễng, thân người hơi đổ về phía bên trái, cạnh trong bàn chân trái dùng sức đạp đất, chân phải đồng thời bước vượt 1 bước dài sang bên phải đến vị trí đánh cầu. Nếu khoảng cách hơi xa với điểm cầu đến thì chân trái lúc đầu có thể bước một bước đệm nhỏ sang bên phải, tiếp đó mới đạp đất, chân phải đồng thời bước vượt 1 bước dài đến vị trí đánh cầu.

    2. Di chuyển sang bên trái:

    Người thực hiện 2 chân đứng tách rộng, thân người hơi nghiêng về bên phải, dùng sức của chân phải đạp đất, chân trái đồng thời bước vượt sang bên trái 1 bước dài đến vị trí đánh cầu.

    Nếu khoảng cách tương đối xa với điểm cầu đến thì chân trái trước hết nên di chuyển 1 bước nhỏ sang bên trái, sau đó xoay người sang bên trái; chân phải (bước chéo trước) sang bên trái 1 bước vượt dài, lưng hướng về phía lưới khi đến vị trí, đánh cầu giống như đánh cầu trái tay.

    VI. Kỹ thuật bước di chuyển bật nhảy đánh cầu:

    Sau khi đã di chuyển bước đến vị trí, để tranh thủ thời cơ và khống chế được điểm đánh cầu cao nhất, có thể dùng bật nhảy 1 chân hoặc 2 chân để chiếm vị trí cao nhất từ trên không đánh cầu xuống, động tác này được gọi là bật nhảy đánh cầu trên không. Trong di chuyển lên lưới, lùi sau và sang 2 bên đều vận dụng bước bật nhảy lên cao. Nói chung bước bật nhảy lên cao thường được dùng nhiều cho kỹ thuật đột kích sang 2 bên phải trái của đối phương.

    Khi đối phương đánh cầu cao bằng (đường vòng cung tương đối thấp hoặc khi cầu từ trên không bên phải bay về cuối sân) thì dùng chân trái đạp đất sang phía bên phải, chân phải bật nhảy. Thân người bay lên trên không ở phía bên phải để đón cầu đến, dùng kỹ thuật đột kích đập vụt cầu vào chỗ trống của đối phương.

    Khi cầu từ trên không bên trái bay về đường biên cuối sân thì chân phải đạp đất về phía trái, chân trái bật nhảy, sử dụng kỹ thuật đánh cầu đỉnh đầu để đột kích. Trong phương pháp di chuyển bước chân lùi sau thuận tay, sau khi di chuyển đến vị trí cũng có thể dùng chân phải bật nhảy để đánh cầu trên không. Sau khi đánh cầu, chân trái lăng ra sau và chạm đất ở phía sau của trọng tâm cơ thể. Sau khi đã hoãn xung, cơ thể nhanh chóng di chuyển trở về vị trí trung tâm.
    I. Yêu cầu chiến thuật của môn cầu lông:
    Vận dụng chiến thuật nhằm đạt được các mục đích sau:

    1. Điều chuyển vị trí của đối phương: Đối phương thường đứng ở vị trí trung tâm của sân để quán xuyến tất cả các điểm của sân và sẵn sàng đánh trả lại tất cả các loại đường cầu khi chúng ta đánh đến. Nếu như chúng ta có thể điều chuyển được vị trí của họ, buộc họ phải rời khỏi vị trí trung tâm thì sân của họ sẽ xuất hiện chỗ trống và chính chỗ trống này sẽ trở thành mục tiêu để tấn công.

    2. Buộc đối phương phải đánh trả bằng đường cầu cao ở sân sau và giữa sân: thực hiện kỹ thuật đánh cầu cao, chém đập, chém treo hoặc vê cầu sát lưới ..v..v.. tạo thành khó khăn cho việc đánh trả của đối phương, buộc đối phương phải đánh trả sang bằng đường cầu cao, đường cầu không thể đánh đến đường biên ngang sân của mình. Như vậy sẽ có thể tạo điều kiện tốt nhất để tăng thêm sức mạnh uy hiếp của lần đập vụt mạnh và đập tạt cầu sát lưới tiếp sau đó của mình, giáng cho đối phương những đòn chí mạng.

    3. Làm cho đối phương mất đi sự khống chế trọng tâm: lợi dụng các đường cầu lập lại hoặc sử dụng động tác giả làm rối loạn bước di chuyển của đối phương, làm cho đối phương mất đi sự ổn định của trọng tâm, không thể di chuyển tới kịp vị trí thuận lợi để đánh trả hoặc làm chậm thời gian đánh cầu dẫn tới chất lượng cầu đánh trả sẽ kém, từ đó tạo thành thế bị động cho đối phương.

    4. Tiêu hao thể lực của đối phương: điều khiển điểm rơi chuẩn xác của cầu, lơi dụng tối đa diện tích của toàn bộ mặt sân, đưa cầu đánh đến 4 góc của sân đối phương hoặc những chỗ xa với vị trí đứng của đối phương, làm cho đối phương mỗi lần di chuyển đánh trả cầu phải tiêu hao thể lực lớn. Khi giành giật sự được mất của 1 quả cầu, cũng nên sử dụng phối hợp nhiều loại hình kỹ thuật như đánh mạnh, đánh nhẹ, đánh chuẩn để điều chuyển đối phương, buộc đối phương phải chạy chỗ nhiều, đến khi cảm thấy thể lực đối phương không trụ nổi mới giáng đòn quyết định.

    II. Tư tưởng chủ đạo chiến thuật của môn cầu lông:

    1. "Lấy mình làm chính": tức là không nên thoát ly khỏi điều kiện kỹ thuật và thể hình, tố chất thể lực, phẩm chất tâm lý và đặc điểm cách đánh của mình,..v..v.. để lựa chọn chiến thuật.

    2. "Lấy nhanh làm chính": tức là về mặt biến hoá và chuyển đổi chiến thuật, cần thể hiện đặc điểm "nhanh". Vd: sau khi phát hiện thấy đối phương có ưu nhược điểm gì về mặt kỹ thuật, chiến thuật, phải nhanh chóng và mạnh dạn thay đổi chiến thuật và cần kịp thời từ công chuyển sang thủ, từ thủ chuyển sang công hoặc đi từ quá độ chuyển sang tấn công, từ tấn công chuyển sang quá độ, tốc độ chuyển đổi phải nhanh, phải nắm chắc thời cơ có lợi để nhanh chóng chuyển đổi.

    3. "Lấy công làm chính": tức là khi xây dựng ý đồ chiến thuật cần nhấn mạnh tư tưởng chủ đạo là tấn công, khi phòng thủ cũng cần nhấn mạnh phòng thủ tích cực, tìm cơ hội tấn công.

    III. Chiến thuật đánh đơn:

    1. Chiến thuật phát cầu giành quyền tấn công trước: phát cầu không chịu sự cản trở của đối phương, do đó người phát cầu có thể dựa vào luật thi đấu, tùy ý theo thói quen có thể vận dụng bất cứ phương thức nào để phát cầu sang bất cứ một điểm nào trên sân đỡ cầu của đối phương. Người giỏi về lợi dụng kỹ thuật phát cầu biến hoá là người có thể trước hết phát cầu để khống chế đối phương giành quyền chủ động, dùng phát càu lao nhanh phối hợp với phát cầu gần lưới, tranh thủ tạo ra cơ hội chủ động tấn công ở lần đánh sau, tổ hợp thành chiến thuật phát cầu giành quyền tấn công trước (cướp tấn công).

    2. Chiến thuật tấn công sân sau (cuối sân): sử dụng lập lại kỹ thuật đánh cầu cao sâu hoặc cầu cao ngang, ép 2 góc cuối sân của đối phương, buộc đối phương rơi vào trạng thái bị động. Một khi chất lượng của cầu đối phương đánh sang không cao, liền chớp lấy thời cơ tấn công đập, treo cầu vào chỗ trống của đối phương.

    3. Chiến thuật buộc đối phương đánh cầu trái tay: nói chung là tính tấn công của đánh cầu cuối sân trái tay không mạnh, đường cầu cũng tương đối đơn giản. Nhưng khi thi đấu với các đối thủ có kỹ thuật đánh cầu cuối sân trái tay kém, thì không thể bỏ qua việc tăng cường tấn công ở khu vực đánh cầu trái tay cuối sân.

    Trước hết cần kéo rộng vị trí của đối phương, làm cho khu vực trái tay của đối phương lộ ra chỗ trống. Sau đó thực hiện đánh cầu vào khu vực trái tay. Vd: trước tiên treo cầu vào khu vực thuận tay sát lưới của đối phương, đối phương hất cao cầu, chúng ta dùng ngay cầu cao ngang tấn công vào khu vực trái tay cuối sân của đối phương, buộc họ phải rời xa vị trí trung tâm, và lúc này đột ngột treo cầu chéo góc sát lưới.

    4. Chiến thuật đánh cầu 4 điểm rồi đột kích: dùng kỹ thuật đánh cầu cao ngang tốc độ nhanh, hoặc đánh treo cầu chuẩn xác đến 4 góc sân của đối phương, buộc đối phương phải chạy di chuyển sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới. Khi phát hiện đối phương không kịp trở về vị trí trung tâm hoặc mất trọng tâm để lộ ra chỗ trống và chỗ yếu thì tiến hành đột kích ngay.

    5. Chiến thuật đánh treo, đập cầu rồi lên lưới tấn công: trước tiên ở cuối sân dùng kỹ thuật đập nhẹ phối hợp với đánh treo cầu để ép cầu xuống dưới, điểm rơi cần lựa chọn ở phía 2 bên của sân đối phương, buộc đối phương bị động đánh trả. Nếu đối phương đánh trả cầu sát lưới, liền nhanh chóng di chuyển lên lưới vê cầu hoặc móc cầu chéo góc hoặc đẩy cầu ngang tốc độ nhanh. Nếu đối phương đánh trả bằng hất cầu cao ở sát lưới, có thể lợi dụng trong lúc họ lùi về phòng thủ, sẽ trực tiếp dánh thẳng cầu vào người họ.

    6. Chiến thuật phòng thủ trước tấn công sau: chiến thuật này có thể dùng để đối phó với đối thủ tấn công kém hiệu quả và thể lực kém.

    Bắt đầu thi đấu, trước tiên dùng đường cầu cao để dụ đối phương tấn công, khi đối phương mải mê với tấn công mà lỏng lẻo phòng thủ thì lập tức đột kích tấn công. Cũng có thể trong lúc thể lực đối phương giảm sút, tốc độ di chuyển chậm lại thì mới phát động tấn công. Đây là chiến thuật chờ đối phương mệt mới phát động tấn công để giành thắng lợi :eek:
     

Chia sẻ trang này