SKĐS - Ở người cao tuổi (NCT) nhiều chức năng sinh lý có sự thay đổi đáng kể, nhất là hệ thần kinh, kèm theo mắc một số bệnh tật liên quan đến hệ thống đường tiết niệu gây nên chứng tiểu đêm. Mặc dù không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng tiểu đêm lại gây không ít phiền muộn ảnh hưởng đến người cao tuổi với sức khỏe cũng như làm giảm đáng kể chất lượng sống của NCT. Các bộ phận liên quan đến chức năng tiểu? Ở người bình thường, ban ngày có thể đi tiểu vài ba lần và ban đêm gần như không đi tiểu mà ngủ một mạch từ tối cho tới sáng mới đi tiểu. Hiện tượng đi tiểu liên quan đến 2 yếu tố chính, đó là hệ thống tiết niệu, trong đó bàng quang đóng vai trò rất quan trọng và sự điều chỉnh của hệ thần kinh trung ương. Bàng quang là cơ quan chứa đựng nước tiểu do thận tiết ra trước khi thoát ra ngoài cơ thể theo quá trình đi tiểu. Bàng quang là một túi rỗng, có khối cơ trơn, đàn hồi, được chi phối bởi hệ thống thần kinh thực vật, thể tích không hằng định, có dung tích đựng nước tiểu khoảng 250-350 ml. Ở nam giới, khi dung tích từ 350–750 ml, có cảm giác buồn tiểu. Ở phụ nữ, dung tích chứa nước tiểu ít hơn, khoảng từ 250–550 ml đã có cảm giác buồn tiểu. Tiểu đêm là gì? Theo định nghĩa của Hiệp hội Niệu khoa Quốc tế, chứng tiểu đêm được hiểu là tình trạng một người phải tỉnh dậy nhiều hơn một lần vào ban đêm để đi tiểu và tình trạng đó diễn ra trong một thời gian dài. Tuổi càng cao, tỉ lệ mắc chứng tiểu đêm càng tăng lên (độ tuổi 20 - 50 là khoảng 5 -15% đi tiểu đêm và khi tuổi trên 50, có tới trên 50%). Lý do gây tiểu đêm Tiểu đêm ở NCT có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do: Chức năng sinh lý bị suy giảm: Khi tuổi cao, chức năng sinh lý, nhất là hệ thần kinh, trong đó có thần kinh điều khiển sự co bóp của bàng quang bị suy giảm. Bình thường bàng quang của người trưởng thành có dung dích khoảng từ 300 - 400ml chứa đựng nước tiểu. Nước tiểu là do thận bài tiết xuống chảy theo hai niệu quản (niệu quản phải và niệu quản trái) xuống bàng quang. Khi bàng quang đầy sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương gây nên phản xạ đi tiểu. Tuy vậy, bên cạnh phản xạ còn có tác dụng của điều hòa thần kinh theo ý muốn của con người, có nghĩa là dù bàng quang đã đầy nước tiểu nhưng con người có thể nhịn trong một thời gian nhất định nào đó cũng có thể được. Ví dụ, buồn tiểu nhưng giữa lúc đám đông hoặc đang đi trên tàu xe hoặc đang đi dạo phố mà chưa tìm thấy nhà vệ sinh, vẫn có thể “nhịn” tiểu được một thời gian nhất định. Mặt khác, khi ngủ, sự co bóp của bàng quang cũng tạm thời nghỉ cho nên mặc dù bàng quang đầy nước tiểu nhưng não bộ sẽ ức chế không gây sự co bóp của bàng quang cho nên không gây phản xạ đi tiểu, vì vậy, giấc ngủ vẫn ngon mà không bị đánh thức lúc đang ngủ say. Điều này cũng có thể giải thích tại sao ở một số trẻ do hệ thống thần kinh chưa hoàn chỉnh nên có hiện tượng đái dầm lúc đang ngủ. Do bệnh lý ở hệ tiết niệu: Ở NCT là nam giới nếu bị bệnh của tiền liệt tuyến (u xơ, hoặc u hoặc viêm tiền liệt tuyến…) hiện tượng tiểu đêm càng hay gặp, nhất là khi u xơ có kích thước lớn chèn ép vào cổ bàng quang, mặc dù bàng quang chưa có nhiều nước tiểu những vẫn bị bị kích thích đi tiểu. U xơ tiền liệt tuyến cũng có thể gây nên tiểu són, tiểu không hết nước tiểu trong bàng quang càng gây phản xạ đi tiểu đêm. Nhiều người nghĩ rằng chủ yếu nam giới mới hay bị tiểu đêm vì tuyến tiền liệt chỉ có ở nam giới và gây rối loạn về tiểu tiện khi bị tăng sinh hoặc viêm nhiễm. Tuy nhiên, các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy không có sự khác biệt rõ rệt về tỉ lệ mắc chứng tiểu đêm giữa nam giới và nữ giới. Nhưng có vẻ sự phân bố này lại không đều theo tuổi. Khi trẻ, phụ nữ thường gặp chứng tiểu đêm nhiều hơn nam giới (tỷ lệ nữ giới bị viêm tiết niệu lúc còn trẻ khá cao, đặc biệt ngay sau khi lập gia đình), trong khi NCT là nam giới lại có xu hướng mắc tiểu đêm nhiều hơn. Hiện tượng đái són, tiểu không hết (gặp ở nam và nữ giới chủ yếu do bệnh tật về đường tiểu) càng làm cho bàng quang chóng đầy nước tiểu, bởi vì chức năng lọc của 2 quả thận luôn luôn hoạt động không bao giờ ngừng cả ngày lẫn đêm. Vì vậy, nước tiểu cũng được hình thành liên tục, do đó bàng quang càng chóng đầy và càng bị kích thích gây đi tiểu tiếp tục, càng làm cho người bệnh không ngủ yên được. Do mắc bệnh mạn tính: Tiểu đêm ở NCT còn dễ bắt gặp ở người rối loạn giấc ngủ, mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, hội chứng dạ dày, viêm đại tràng mạn tính, đau nhức xương khớp, chuột rút… bệnh càng hành hạ, càng làm mất ngủ. Khi giấc ngủ không sâu sẽ phải thức giấc để đi tiểu nhất là mùa lạnh. Do chế độ ăn uống: Tiểu đêm, đôi khi lại do chế độ ăn, uống không hợp lý của NCT. Bữa cơm tối, nếu ăn nhiều rau có tinh chất lợi tiểu cũng gây tiểu đêm (rau cải) hoặc uống nhiều nước (nhất là nước luộc rau cải, rau muống…), uống bia (nhất là bia lạnh) càng dễ gây tiểu đêm. Một số NCT nghiện cà phê, thuốc lá nếu uống, hút trước khi đi ngủ buổi tối cũng sẽ gây nên chứng tiểu đêm do tình trạng khó ngủ, ngủ chập chờn càng buồn đi tiểu. Nếu NCT sử dụng các chất ngọt nhân tạo và thực phẩm có tác dụng lợi tiểu hoặc nước chứa chất ngọt, đường nhân tạo và chất citrus trong trái cây sẽ có tác dụng kích thích bàng quang gây tiểu nhiều hơn. Do thuốc: Tiểu nhiều, tiểu đêm cũng có thể do NCT dùng thuốc lợi tiểu để chữa bệnh tăng huyết áp và bệnh phù thũng do suy tim, suy thận và xơ gan. Hậu quả của tiểu đêm Đối với NCT, tiểu đêm là một hiện tượng hay gặp, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường NCT ít ngủ hơn (thời gian của giấc ngủ ngắn), đi ngủ sớm nhưng thức dậy cũng sớm. Ít ngủ lại dễ gây buồn tiểu và ngược lại đi tiểu đêm nhiều lần càng dễ gây cho NCT mất ngủ, đây là một vòng luẩn quẩn. Mất ngủ sẽ làm cho nhiều bệnh nặng thêm, ví dụ như bệnh tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh rối loạn tuần hoàn não, bệnh suy nhược cơ thể, bệnh viêm đường tiết niệu hoặc bệnh về đường tiêu hóa (dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt). Làm gì để tránh tiểu đêm? Chế độ dinh dưỡng người cao tuổi: Với NCT vào bữa cơm buổi tối cần hạn chế ăn canh, uống nước rau luộc và nên hạn chế uống nước, uống bia, nhất là bia lạnh trước khi đi ngủ. Buổi tối không nên uống cà phê, trà đặc hoặc hút thuốc lá vì sẽ làm ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ (ngủ ít sẽ gây tiểu đêm). Để hạn chế uống nước, không nên ăn mặn (với NCT ăn mặn còn là một yếu tố nguy cơ tăng huyết áp). Trong sinh hoạt: Trước khi lên giường đi ngủ buổi tối, NCT luôn luôn nhớ đi tiểu, không nên nhịn tiểu. Không nên đi ngủ với không khí phòng ngủ lạnh quá (mùa đông phải đủ ấm, mùa hè không nên nằm dưới điều hòa nhiệt độ thấp hoặc quạt xoáy vào người), vì lạnh sẽ gây co mạch ngoại biên làm tăng máu đi qua thận và nước tiểu cũng được tăng nhanh hơn sẽ gây buồn tiểu. Trong điều trị bệnh: Đối với những trường hợp NCT mắc một số bệnh viêm đường tiết niệu (viêm bàng quang, viêm thận, sỏi tiết niệu…) cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt không nên để cho bệnh trở thành mạn tính rất khó điều trị và mắc thêm chứng tiểu đêm gây nên nhiều phiền toái cho người bệnh và người nhà (mỗi lần thức dậy đi tiểu phải bật đèn sáng, gây tiếng động). Những người mắc bệnh như tiểu đường, u xơ tiền liệt tuyến, sỏi đường tiết niệu, tăng huyết áp cũng cần được điều trị tích cực để bệnh mau chóng ổn định, hạn chế bớt chứng tiểu đêm. Bởi vì, nếu bị u xơ tuyến tiền liệt tuyến gây khó tiểu kéo dài (mạn tính) cũng rất dễ gây viêm đường tiết niệu hoặc bị sỏi đường tiết niệu không xử trí sớm cũng có nguy cơ gây viêm đường tiết niệu từ đó gây tiểu đêm, chưa nói đến hậu quả nặng nề của sỏi tiết niệu là làm hỏng thận gây suy thận. Luyện tập thể thao: NCT nên tập thể dục nhẹ nhàng tạo thành thói quen trước khi đi ngủ buổi tối để làm cho giấc ngủ được kéo dài hơn, ngủ sâu hơn nhằm làm quên đi việc phải đi tiểu đêm. Tìm hiểu thêm