Những tưởng mỗi bình nước tinh khiết đến tay người tiêu dùng với giá chỉ khoảng 8 - 12 ngàn đồng/bình 20l thì lợi nhuận sẽ không được bao nhiêu. Thế nhưng, theo những tiết lộ của "dân trong nghề" và đặc biệt là những "nhà kinh tế" cung cấp máy móc, dây chuyền lọc nước đã cho PV những con số không tưởng về lợi nhuận. Nếu nghe xong, chắc hẳn nhiều người muốn bỏ nghề đi... sản xuất "nước uống tinh khiết". Những thông tin khiến người ngoại đạo thèm khát Trong quá trình tìm hiểu thông tin để thực hiện bài viết này, phóng viên báoĐời sống và Pháp luật đã tìm hiểu và được biết, để chuẩn bị cho một kế hoạch đầu tư dây chuyền sản xuất nước đóng chai, đóng bình, trước tiên cần có một mặt bằng làm nhà xưởng và khu văn phòng điều hành. Bên cạnh đó, là một giếng khoan hoặc nguồn nước máy có chất lượng đầu vào đạt tiêu chuẩn, và một khoản vốn đầu tư ban đầu... là xong. Còn để biết được tỷ suất lợi nhuận và thời gian thu hồi vốn khi kinh doanh nước lọc đóng bình, đóng chai, thì tính theo các yếu tố đầu vào cho mỗi bình nước nước 20l/h. Cụ thể, về tem nhãn là 1.000 - 1.200 đồng; Màng co có giá khoảng 500 - 700 đồng; Khấu hao vỏ bình khoảng 1.000 đồng; Nhân công + vận chuyển khoảng 1.200 đồng; Điện năng + nguồn nước máy từ 300 - 500 đồng. Như vậy một bình nước 20l/h có vốn đầu tư từ 4.000 - 4.600 đồng. Nếu lấy nguồn nước giếng khoan hoặc nguồn khác (sông, suối) để pha vào hoặc để làm nguồn lọc mà không theo mẫu kiểm định như một số cơ sở tiết lộ với PV, thì còn có thể giảm được 200 - 300 đồng/bình. Như vậy, nếu nhà đầu tư lắp đặt một dây chuyền lọc nước tinh khiết công suất 1.000l/h, một giờ có thể sản xuất được từ 40-45 bình thì một ngày sẽ sản xuất được 8h x 40 (45) bình = 320 (360) bình. Với giá khoảng 75 triệu đồng, có thể mua được dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết công suất 500l/h. "Theo Ohido (một công ty chuyên cung cấp máy lọc nước) được biết, từ các chủ đầu tư, trong thời gian đầu khi bước chân vào thị trường, một ngày có thể phân phối được từ 200 - 220 bình 20l. Tùy vào sức mua của thị trường, một cơ sở kinh doanh nước đóng bình phân phối theo giá bán buôn có thể giao được từ 8.000 - 12.000 đồng/bình. Như vậy một bình nước, chủ đầu tư có thể có lãi từ: 4.000 - 7.400 đồng. Một ngày, lợi nhuận của chủ đầu tư có thể đạt tối thiểu 800.000 đồng (hoặc 880.000 đồng), tối đa đạt được từ 1.480.000 đồng (hoặc 1.628.000 đồng)", công ty này tính toán. "Một năm lợi nhuận của chủ đầu tư có thể đạt được từ 288.000.000 đồng, đến 532.800.000 đồng. Đó là mức lợi nhuận rất cao, nhất là đối với một cơ sở sản xuất kinh doanh, ngay cả khi đã trừ đi các chi phí cho nhà xưởng, khấu hao máy móc, chi phí quản lý, lưu kho, vận chuyển, mở rộng thị trường... Với mức lợi nhuận cơ bản ban đầu, chủ đầu tư có thể nhanh chóng thu hồi vốn trong vòng 1 - 1,5 năm", một chuyên gia của công ty này phân tích. Chế tài xử lý không nghiêm nên chẳng ai sợ? Anh L.V.B., ngụ quận Bình Tân từng được một cơ sở mướn vào làm công sản xuất nước đóng bình tiết lộ (sau đó cơ sở này đã bị rút giấy phép rồi chủ cơ sở bán lại cho một người khác) thì làm nước rất đơn giản. Nói thì có vẻ mỹ miều, kiểu như dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ nước này nước kia... nhưng thực chất thì đa phần là các máy móc của Trung Quốc hoặc Việt Nam. Quan trọng là khâu xin phép thường rất lâu, có khi cả vài ba tháng. Bà T.T.P., Giám đốc công ty S.T mà PV đã đề cập ở kỳ trước, cũng tiết lộ để cấp phép hoạt động là không dễ. Đầu tiên là phải xin giấy phép kinh doanh của công ty hay hộ gia đình. Sau đó thì phải đưa mẫu nước đi kiểm định. Nhân viên của bà P. khi đưa PV đi xem dàn máy lọc của công ty cho hay, khâu này thường lâu và tốn tiền nhất. PV hỏi, có phải tốn là do chi phí lót tay cho nhân viên kiểm định để được kiểm định hay không? Nhân viên này cho biết, chỉ tốn tiền lót tay cho nhanh được kiểm định thôi, còn "bao sân" thì không? Họ không dám làm chuyện này. Họ chỉ làm cho mình nhanh hơn so với quy trình thôi. Khoản này hết khoảng 4 - 5 triệu đồng. Thế nên, khi tư vấn cho chúng tôi, bà P. chia sẻ, vừa hoạt động (sau khi lắp ráp máy móc) vừa xin phép cho tiết kiệm thời gian. Cũng theo anh B., thì khi mua máy móc về, sẽ có người của công ty cung cấp máy lắp đặt, sau đó thì cứ thế mà vận hành. Muốn lời nhiều thì các yếu tố đầu vào phải thay đổi, quan trọng nhất là điện, nước, nhân công, quay vòng vỏ bình... Lúc trước chỗ tôi làm, có khi sản xuất không kịp vì máy công suất thấp lại nhiều người gọi hàng, nên chủ cơ sở kêu đổ nước thuỷ cục vào bình, rồi dán nhãn luôn, khỏi qua hệ thống lọc nữa cho đỡ tốn điện và công. Còn bà P. cũng tiết lộ, để tiết giảm chi phí đầu vào thì phải thế chân được vỏ bình, rồi pha thêm nước giếng vào. Chứ cứ lấy nước thuỷ cục thì tốn lắm. Như vậy, để tăng lợi nhuận, đang có nhiều cách thức khác nhau của các chủ cơ sở sản xuất có thể "vận hành". Chính vì lợi nhuận, cách thức sản xuất có phần dễ dãi trong quản lý, giám sát nên ai cũng có thể sản xuất được nước uống đóng bình. Do dây chuyền máy móc có giá thành thấp nên ai cũng có thể sản xuất được nước uống đóng bình(!?). Ở góc độ pháp lý, luật gia Đặng Thị Diệu Vân, trung tâm Tư vấn Pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam cho biết, hiện nay thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai đang được áp dụng theo quy định tại Thông tư 26/2012/TT-BYT của Bộ Y tế. "Tuy nhiên, quy trình thẩm định cơ sở để cấp Giấy chứng nhận còn rất chung chung, chưa cụ thể. Theo tôi, cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quy trình thẩm định cơ sở, xác định rõ những nội dung thẩm định, quy định cụ thể tiêu chuẩn về chất lượng nguồn nước, về cơ sở vật chất, người lao động, dây chuyền sản xuất... Khi các cơ sở kinh doanh đạt được những tiêu chuẩn này thì mới được cấp Giấy chứng nhận", luật gia Vân phân tích. Cũng theo luật gia Vân, thì đây cũng là một trong những nguyên do quan trọng để nước uống tinh khiết "bẩn" tồn tại. "Do khâu thẩm định để cấp Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất sơ sài. Thứ hai là khâu quản lý, kiểm tra sau cấp Giấy chứng nhận chưa được thực hiện theo đúng quy định, hoặc có thực hiện nhưng rất hình thức. Các cơ quan chức năng tại địa phương không kiểm tra thường xuyên và báo cáo các cơ sở vi phạm lên các cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, sau khi kiểm tra, phát hiện vi phạm thì mức xử phạt hành chính đối với cơ sở vi phạm còn quá thấp, không ảnh hưởng nhiều đến cơ sở kinh doanh bị xử phạt", luật gia Vân cho biết. 26 cơ sở vi phạm vẫn cố tình đưa vào sản xuất Kết quả kiểm tra của Chi cục ATVSTP TP.HCM năm 2014 cho biết, trên tổng số 469 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình trên địa bàn, thì có 26 cơ sở vi phạm trong việc sử dụng nguồn nước để sản xuất. Có thể, các cơ sở này đã không đưa nguồn nước đi kiểm tra theo quy định, hoặc kiểm tra không đạt theo quy chuẩn, nhưng vẫn cố tình đưa vào sản xuất.